Bếp ăn yêu thương chan chứa tình thương yêu của quê hương Vĩnh Thuận(sưu tầm)

Lượt xem:

Đọc bài viết

Tên “bếp ăn yêu thương” như đúng nghĩa của nó, mang yêu thương đến những người đang cách ly y tế, mang tình cảm chia sẻ động viên đến lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh. Mong muốn hãy yệu thương, hãy chia sẻ cùng nắm chặt tay nhau vượt qua những khó khăn, biến cố trong giai đoạn hết sức khó khăn của dịch bệnh. Bếp ăn yêu thương-nơi tràn đầy những yêu thương trước dịch bệnh Covid-19.

image

Đồng chí Huỳnh Tấn Phi, phó bí thư huyện uỷ-chủ tịch UBND huyện thăm hỏi, động viên “bếp ăn yêu thương”

Cách đây 1 năm, tháng 9 năm 2020 Câu lạc bộ trái tim yêu thương do chị Lê Thị Ngân ở khu phố Vĩnh Đông 1, thị trấn Vĩnh Thuận làm chủ nhiệm được thành lập. Câu lạc bộ là nơi chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Từ khi ra đời đi vào hoạt động, câu lạc bộ là điểm tựa của nhiều gia đình có hoàn cảnh. Những ngày đầu thành lập, thành viên ít, công việc khảo sát, nắm bắt các hoàn cảnh cần hỗ trợ không được thuận lợi. Nhưng khi đi vào hoạt động, nhiều người thấy được mục đích, ý nghĩa và những việc làm của câu lạc bộ mang tính nhân ái cao nên đã đăng ký tham gia. Đến nay đã có hơn 50 thành viên tự nguyện tham gia đóng góp công sức, kinh phí lan toả những yêu thương.Chị Lê Thị Ngân, Chủ nhiệm câu lạc bộ Trái tim yêu thương bộc bạch, khi thấy dịch bệnh Covid-19 xuất hiện trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận ai cũng lo lắng nhưng mọi người đều có chung suy nghĩ: phải làm sao chung tay với chính quyền địa phương, cùng nhau vượt qua đại dịch. Thấy trên địa bàn có ca lây nhiễm và huyện lập chốt kiểm soát. Mấy anh, em trực chốt ngày đêm vất vã, điều kiện ăn uống không đảm bảo nên câu lạc bộ thống nhất nấu các suất ăn cho lực lượng làm nhiệm vụ này. Đặc biệt, trong những ngày nghĩ hè, chồng của cô Ngân là thầy giáo Phạm Thanh Bình công tác tại trường Tiểu học Bình Minh cũng phụ vợ một tay, vừa chạy đi chợ mua đồ, vừa mang cơm cho lực lượng trực chốt.Dịch bệnh ngày càng nguy hiểm, các ca F0 xuất hiện liên tục trong những ngày đầu kéo theo các F1 phải cách ly tập trung tại Nhà thiếu nhi, Trung tâm chính trị, trường tiểu học-trung học cơ sở thị trấn. Lực lượng công an, quân đội, y bác sỹ tham gia trực tại các khu cách ly. Những nơi đây không có bếp nấu ăn, nhiều gia đình đi cách ly hết lấy gì có ai lo cơm? Vậy là một quyết định táo bạo đầy nhân văn được khởi sướng: phải nấu cơm lo cho các khu cách ly này. Vậy là từ 24 suất cơm ban đầu, câu lạc bộ phải nấu cho gần 500 suất. Công việc bắt đầu từ 4 giờ sáng, các chị em trong câu lạc bộ bắt tay nhóm bếp, chế biến thức ăn. Chị Ngân tâm sự: phải làm sao đảm bảo dinh dưỡng, thay đổi khẩu phần ăn cho bà con và lực lượng trực luôn ngon miệng, để có sức khoẻ vượt qua dịch bệnh. Thế là chị huy động bạn bè, người thân đóng góp, hỗ trợ. Mặt trận tổ quốc, hội nông dân huyện và các ngành đoàn thể từ huyện đến khu phố cũng chung sức với bếp ăn. Rau, củ, cá và các nhu yếu phẩm được mang đến ngày một đáp ứng nhu cầu phục vụ ngày 2 buổi trưa, chiều. Bà Nguyễn Thị T trong khu cách ly nhà thiếu nhi huyện Vĩnh Thuận cho biết: “Chồng con tui là F2 nên phải tự cách ly tại nhà. Khi nghe đi cách ly tui rầu muốn chết, cơm nước đâu ra, ai lo cho mình? Mới vào, mấy em cán bộ kêu ra lấy cơm tui chạy tìm cái bóp kiếm tiền, đi vội quá quên mang theo. Nghĩ chắc nhịn đói quá, tiền đâu trả thì mấy em hối ra lấy cơm, bếp yêu thương tặng bà con. Mặc dầu rầu vì phải đi cách ly nhưng thấy phần cơm đầy đủ rau, thịt, thêm canh nửa tui ăn một hơi hết chơn luôn”.Ông Tám Đ, cả nhà phải vào khu cách ly, lo lắng không biết cơm nước ra sao? Vậy mà trong 21 ngày được các bạn đội thanh niên tình nguyện huyện Vĩnh Thuận mang đến đều đặn các suất cơm của bếp ăn yêu thương. Ngày ra khu cách ly, ông nhắn bà con ở lại: mai nhà tui nấu ăn sáng gửi cho bà con, anh em khu này. Cám ơn quá, cám ơn sự quan tâm chăm lo cho gia đình tôi.Chị Ngân vừa lột bắp, vừa cười tươi nói: Bắp này bà con mạnh thường quân gửi cho bếp. Tụi tui làm món chè bắp, nói vậy chứ ở lâu ngày trong đó cũng lạc miệng. Có tiếng nói xen vào từ mấy cô đang lặt rau: có bữa tụi tôi luột thêm chuối, bửa gọt khóm, chiên khoai gửi theo phần cơm để cho bà con ăn thêm. Tính đến thời điểm hiện nay, đã có gần 10 ngàn suất cơm được gửi đến các khu cách ly, các chốt trực, lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thị trấn Vĩnh Thuận. Bếp bắt đầu đỏ lửa từ 4 giờ sáng tận đến 6 giờ chiều vì xong cơm sáng, chiều phải tính toán đến cách chế biến cho ngày hôm sau. Rau muống thì phải nấu canh chua, xào tỏi hoặc nhiều quá thì phải làm dưa để ăn dần phòng khi khó kiếm rau. Cá phi đem về là mần liền lớp nào muối sả nghệ, kho tương, xay làm chả…Nhìn cách chế biến của mấy cô, mấy chị như đang phục vụ một đám tiệc lớn, phải chu đáo, tỉ mỷ từng chút một.Những tình cảm của câu lạc bộ bếp ăn yêu thương đầy nhân ái sẽ chung tay đẩy lùi dịch bệnh mang đến bình yên, hạnh phúc cho quê hương thân yêu Vĩnh Thuận-mãi mãi thuận hoà.
Bài và ảnh: Võ Nguyễn Minh Thành
Nguồn tin: Ban Tuyên giáo Huyện ủy